Việc áp dụng hóa đơn điện tử xăng dầu sau từng lần bán hàng đang được doanh nghiệp cấp tập triển khai nhưng nhiều đơn vị lo ngại không kịp thời hạn 31-3 do vướng mắc về mặt kỹ thuật, mất thời gian để đưa vào vận hành trên toàn hệ thống.
Theo các doanh nghiệp, chi phí đầu tư ban đầu lớn, thậm chí lên tới 400 triệu đồng/cửa hàng, chưa kể chi phí xuất hóa đơn điện tử (HĐĐT) sau từng lần bán cũng tốn kém. Do đó, về lâu dài, cần đưa chi phí hóa đơn vào cơ cấu giá thành để đảm bảo duy trì vận hành của doanh nghiệp.
Trước đó, ngày 18-3, Bộ Công Thương đã có văn bản cho biết hết ngày 31-3 nếu không thực hiện quy định về HĐĐT, doanh nghiệp sẽ bị xử lý.
Khó đúng hạn đưa hóa đơn điện tử xăng dầu vào sử dụng do vướng với kỹ thuật?
Anh Hùng, lãnh đạo một doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu tại Hà Nam, chia sẻ đã triển khai lắp đặt HĐĐT sau từng lần bán hàng kể từ tháng 11-2023, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành.
Lo ngại sẽ bị rút giấy phép, anh Hùng đành phải lắp đặt hệ thống app xuất hóa đơn để “chữa cháy”, song phải nhập tay các dữ liệu và thông tin sau từng lần bán hàng để đảm bảo đáp ứng yêu cầu xuất HĐĐT, truyền thông tin dữ liệu về cho cơ quan thuế theo đúng quy định.
Theo anh Hùng, hệ thống các cửa hàng bán lẻ của doanh nghiệp này đã áp dụng hệ thống trụ bơm điện tử, song việc áp dụng và chuyển đổi HĐĐT sau từng lần bán hàng cũng không đơn giản. Dù đối tác cung cấp giải pháp đã làm việc với doanh nghiệp nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp hoàn thiện.
Lý do là các trụ bơm có nhiều bảng điện tử khác nhau, không đồng nhất về chủng loại, thiết kế, đơn vị cung cấp giải pháp phải mất thời gian để thiết kế và phê duyệt mẫu lắp đặt HĐĐT sau từng lần bán hàng cho từng trụ bơm.
“Chúng tôi đang thử nghiệm qua đường truyền dữ liệu và truyền qua mạng, nhưng phải được phê duyệt các bộ giải pháp cho từng cây xăng, cửa hàng xăng dầu, mất rất nhiều thời gian.
Việc đưa ra giải pháp cho từng trụ bơm cũng phải sửa tới sửa lui, nếu trụ bơm dùng con chip cũ, chưa kết nối máy in, phải thay toàn bộ đầu số với chi phí gần chục triệu đồng/trụ bơm, chưa kể phải đầu tư hệ thống máy tính lưu trữ dữ liệu khoảng 50 triệu đồng/cửa hàng, rất tốn kém”, anh Hùng nói.
Đại diện một doanh nghiệp cho biết đã nỗ lực đầu tư chi phí để thực hiện theo quy định nhưng có những yếu tố khách quan nên khó hoàn tất một sớm một chiều.
“Trong đó, vấn đề lớn nhất là mỗi hệ thống cửa hàng xăng dầu đều có các trụ bơm, cây xăng khác nhau, không đồng nhất về kỹ thuật nên khi chuyển đổi, áp dụng HĐĐT sau từng lần bán hàng, đòi hỏi các đơn vị cung cấp giải pháp đưa ra giải pháp kỹ thuật phù hợp với từng trụ bơm, đòi hỏi cần có thời gian để thực hiện”, vị này nói.
Cần đưa chi phí hóa đơn điện tử xăng dầu vào giá thành
Bà N.T.Hương, chủ một doanh nghiệp xăng dầu ở Đồng Nai, cho biết do chỉ có sáu cửa hàng bán lẻ nên doanh nghiệp cơ bản đã hoàn thiện xong việc lắp đặt và đang thực hiện chạy thử nghiệm, dự kiến đến cuối tháng 3 sẽ hoàn thành và đưa vào vận hành.
Tuy nhiên, để có kết quả này, doanh nghiệp cũng phải mất tới vài tháng làm việc với các đơn vị cung cấp giải pháp, nghiên cứu kỹ thuật từng cây xăng để thiết kế giải pháp kỹ thuật phù hợp cho từng trụ bơm và cửa hàng xăng dầu.
Theo bà Hương, các cửa hàng xăng dầu của doanh nghiệp được đầu tư trong nhiều năm, nên không đồng nhất các trụ bơm, bồn bể.
Trong khi đó, để có thể xuất HĐĐT sau từng lần bán hàng, truyền dữ liệu từ trụ bơm về cơ quan thuế, cần có giải pháp kỹ thuật cho từng trụ bơm, cửa hàng nên đầu tư lớn, lên tới 400 triệu đồng/cửa hàng, gồm các giải pháp kỹ thuật để tự động đo lượng xăng từ bồn, trụ bơm và các phần mềm xuất hóa đơn, truyền dữ liệu về cơ quan thuế.
“Chúng tôi đã áp dụng HĐĐT từ lâu, nhưng để áp dụng HĐĐT sau từng lần bán hàng, mỗi một người mua đều phải xuất hóa đơn, cần phải đầu tư thêm các giải pháp kỹ thuật và hạ tầng thiết bị lắp mới hoàn toàn.
Do làm từ thời điểm đầu triển khai HĐĐT theo từng lần bán hàng theo yêu cầu của Chính phủ, nên chi phí công ty tôi chi trả cao hơn so với hiện nay, nhưng vẫn phải thực hiện vì nếu không sẽ phải dừng hoạt động”, bà Hương nói.
Theo các doanh nghiệp, trước đây doanh nghiệp chỉ xuất hóa đơn chủ yếu cho khách hàng lớn, doanh nghiệp. Đối với khách hàng mua lẻ, chiếm tới 90 – 95% khách hàng, nhu cầu mua xăng chỉ từ 50.000 – 100.000 đồng nên doanh nghiệp thường “gom” các khách hàng lẻ vào chung một hóa đơn.
Tuy nhiên, với quy định mới, doanh nghiệp buộc phải thực hiện, đầu tư trang thiết bị, giải pháp kỹ thuật để đáp ứng đúng quy định của Nhà nước về áp dụng HĐĐT, nên chi phí lớn.
Một doanh nghiệp cho biết nhiều đơn vị cung cấp giải pháp đã giảm chi phí xuất hóa đơn sau từng lần bán hàng, nhưng mỗi tờ hóa đơn vẫn từ 50 – 55 đồng. Trường hợp cá nhân mua xăng là 50.000 đồng, nếu vào chu kỳ giá biến động, lợi nhuận giảm hoặc chiết khấu thấp, chắc chắn doanh nghiệp sẽ lỗ.
Do đó, các doanh nghiệp kiến nghị về lâu dài trong sửa đổi quy định về cơ chế tính giá xăng dầu, cần đưa chi phí hóa đơn vào cơ cấu giá thành để đảm bảo duy trì vận hành của doanh nghiệp.
- Tải Bộ cài MISA SME.NET 2022 R16 mới nhất | hướng dẫn Download cài đặt
- Hướng dẫn tạo mật khẩu ứng dụng trên Gmail để thiết lập Hóa đơn điện tử Meinvoice MISA
- Những câu nói hay của Khổng Tử về giáo dục, cuộc sống
- Download Tải Bộ cài MISA SME.NET 2022 R4 mới nhất | hướng dẫn cài đặt
- Nơi tải bộ cài phần mềm MISA BAMBOO.NET 2020 R23.1 Mới nhất | Download cài đặt